Pages

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Khi quảng cáo dùng nghệ thuật đỉnh cao

Dùng văn hóa để kinh doanh, quảng bá thương hiệu không phải điều mới mẻ trên thế giới nhưng lại mới hình thành ở Việt Nam. Bên cạnh vô vàn những kiểu quảng cáo tạp nham, thậm chí vô văn hoá, nghệ thuật quảng cáo đỉnh cao đã xuất hiện mà ở đó, văn hoá là yếu tố trung tâm.


Sử dụng hình ảnh của các ngôi sao


6 chiếc xe đặc biệt từ bảo tàng xe cổ Mercedes-Benz tại Stuttgart, Đức được hãng Mercedes-Benz mang về trưng bày tại TP.HCM năm 2005 là cách quảng bá tên tuổi hiệu quả.

Còn nhớ, cách đây 3 năm, Mercedes Benz đã tổ chức một tuần lễ thời trang và triển lãm những chiếc xe cổ được mang từ bảo tàng Mercedes Benz ở Đức trưng bày tại VN. Sự kiện này không được tổ chức thường niên nhưng cũng là một dạng sử dụng văn hoá, tuy chưa phải quá đẳng cấp nhưng là phương thức hiệu quả để quảng bá cho thương hiệu của hãng xe hơi này.

Trong khi đó, Heineken lại có cách khuyếch trương tên tuổi với những chiêu thức riêng. Ngoài những spot quảng cáo được cho là độc đáo với những ý tưởng không đụng hàng, hãng này cũng tổ chức rất nhiều sự kiện tại VN trong đó đáng chú ý có cuộc thi tìm kiếm DJ và đứng ra tài trợ phát hành cho nhiều bộ phim hành động đình đám của Hollywood khi được công chiếu tại VN như: Mr. and Mrs Smith, Casino Royale, The Bourne Ultimatum… như một cách quảng bá hiệu quả cho thương hiệu của mình.

Tuy nhiên, “chiêu bài” phổ biến nhất được các hãng tận dụng hiệu quả là quảng cáo dùng thương hiệu của các ngôi sao. Cách đây 2 năm, một hãng điện thoại đã bỏ tiền mời cho được ca sĩ nổi tiếng của châu Á, Bi Rain sang VN biểu diễn. Hàng loạt các ngôi sao tên tuổi của làng nhạc thế giới đương đại trong đó có “Hoàng tử của làng nhạc Pop” Anh Quốc, Shayne Ward cũng đã được Moet Hennessy mời đến biểu diễn trong chương trình Hennessy Artistry đầu tiên tại VN ngày 1/10.

Rõ ràng, việc mời được các nghệ sĩ tên tuổi là cách quảng bá thương hiệu tốt nhất. Chuyện sử dụng các ngôi sao nổi tiếng làm người phát ngôn hay người mẫu quảng cáo độc quyền cũng là một dạng quảng cáo dùng đến thương hiệu các nghệ sĩ. Tất cả các nhãn hiệu thời trang hàng đầu thế giới đều mời bằng được các ngôi sao đẳng cấp để làm đại diện hình ảnh cho mình như một cách thể hiện đẳng cấp của thương hiệu cũng như đối tượng khách hàng họ muốn hướng tới.

Louis Vuitton, nhãn hiệu thời trang cao cấp hàng đầu thế giới luôn mời những ngôi sao nổi tiếng như: Catherine Deneuve, Uma Thurman, Jennifer Lopez, Scarlett Johansson… làm đại sứ hình ảnh. Rõ ràng, đối tượng của Louis Vuitton đều là những người có tiền, có đẳng cấp và địa vị trong xã hội.

Các thương hiệu càng lớn, càng phải nghĩ ra những cách quảng cáo phù hợp với đối tượng họ hướng tới.

Dùng nghệ thuật để thể hiện đẳng cấp


Jean-Yves Thibaudet, một trong những nghệ sĩ dương cầm số 1 thế giới biểu diễn tại HN trong Hennessy Concert Series. Ảnh: Việt Thanh

Dễ nhận thấy thương hiệu càng cao cấp thì mức độ quảng cáo càng tinh tế. Các nhãn hiệu cao cấp đang muốn hướng tới một loại hình quảng cáo và khuyếch trương thương hiệu văn minh hơn. Đó là sử dụng văn hoá nghệ thuật cũng là cấp độ quảng cáo cao nhất.

Hiển nhiên là các thương hiệu lớn đều có tiềm lực về tài chính nhưng có tiền là một chuyện, điểm mấu chốt vẫn phải là ý tưởng độc đáo. Rất nhiều hãng lớn đã chọn nghệ thuật như một cách thể hiện đẳng cấp của mình và cũng là cách quảng bá tên tuổi hiệu quả như Toyota Concert, Hennessy Concert Series…

Các chương trình hòa nhạc cổ điển do Moet Hennessy tổ chức tại Việt Nam từ năm 1996 là sự kiện văn hoá thường niên có giá trị nhất và được người yêu âm nhạc đỉnh cao của VN chờ đợi nhất. Riêng sự xuất hiện của những nghệ sĩ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực opera và biểu diễn nhạc cổ điển như: Lang Lang, Hilary Hahn, Jean-Yves Thibaudet, Jennifer Larmore, Andrea Griminelli….

Đẳng cấp của các nghệ sĩ tham gia Hennessy Concert Series cũng chính là cách khẳng định đẳng cấp của nhãn hiệu này. Có thể nói, không có gì quảng cáo cho Hennessy tốt hơn được các chương trình hòa nhạc đỉnh cao. Ít có sự kiện nào mà khán giả, hay nói cách khác là người tiêu dùng của Hennessy lại cảm thấy sung sướng khi được hưởng cái sự quảng cáo ấy. Ngay cả trên thế giới, cũng rất ít hãng tên tuổi có thể đạt được mức độ quảng cáo như vậy.


Cuộc chơi ngẫu hứng đáng giá vài chục ngàn đô

Họa sĩ Thành Chương vẽ tranh trên xe.
Ảnh: Ngô Hương

Sự kiện gây được sự chú ý của công chúng gần đây nhất là việc Thành Chương và Lê Thiết Cương vẽ tranh trên xe Vespa trong khuôn khổ cuộc triển lãm “Chuyển động”, tôn vinh mối quan hệ giữa hội hoạ-nhiếp ảnh và thời trang. Rất nhiều người thắc mắc vì sao Piaggio lại thuyết phục được một nghệ sĩ tài danh như Thành Chương vẽ tranh trên một mẫu xe thời thượng của họ.

Rõ ràng Thành Chương là một hoạ sĩ hàng đầu của nền hội hoạ đương đại Việt Nam và việc vẽ tranh trên một chiếc Vespa không phải vì mục đích PR thêm cho tên tuổi của anh. Anh hoàn toàn có thể vẽ 4 bức tranh trên chiếc xe kia trên những tấm vóc thông thường và bán với cái giá ngất ngưởng. Vì thế, khó mà có thể bỏ tiền ra để thuyết phục Thành Chương nhận lời vẽ tranh trên một chiếc xe vì mục đích quảng cáo.

Thông thường, nếu muốn mời một nghệ sĩ lớn tham gia một hoạt động như vậy vì mục đích quảng cáo thì bất kể là hãng nào cũng phải chi vài chục ngàn USD. Điều đáng nói ở đây, Thành Chương chính là người đề xuất vẽ lên chiếc xe Vespa mà không nhận một đồng thù lao từ hãng này. Thương hiệu Piaggio “được lợi” thật nhiều từ ý tưởng này. Khi đã sử dụng đến nghệ thuật và văn hóa trong kinh doanh thì quảng cáo đã được nâng lên thành cả một nghệ thuật.

“Tôi muốn thông qua việc này đóng góp vào sự phát triển các loại hình quảng cáo văn minh, văn hóa hơn. Bởi nhiều quảng cáo bây giờ, nói thật, xem xong thấy rợn cả người”, hoạ sĩ Thành Chương tâm sự.

Theo VNN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét