Pages

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2010

Khống chế chi phí quảng cáo: DN sẽ “lách luật”

Sau khi Dự luật thuế Thu nhập doanh nghiệp(TNDN)được công bố, có nhiều ý kiến cho rằng Ban soạn thảo nên xem lại việc khống chế tỷ lệ chi cho quảng cáo tiếp thị khuyến mại.


Ngay sau khi Dự Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) được công bố, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (Eurocham) đã chính thức có quan điểm. “Eurocham đồng tình với những quy định tại Dự án Luật thuế TNDN.

Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn Ban soạn thảo xem lại việc khống chế tỷ lệ chi cho quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại (không được vượt quá 10% tổng chi phí hợp lý, hợp lệ)”, đại diện Ban lãnh đạo Eurocham, ông Ashok Sud phát biểu.

Theo ông Ashok Sud, không chỉ có Eurocham mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ, Canada, Australia… cũng đồng tình với việc bãi bỏ tỷ lệ khống chế chi cho quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại vì tỷ lệ này mặc dù được nâng từ 7% lên 10% (kể từ ngày 1/1/2004), nhưng vẫn không phù hợp với thực tế.

Bởi chi phí thực cho quảng cáo, tiếp thị của DN lớn hơn rất nhiều và Việt Nam hiện là nước duy nhất ở châu Á còn khống chế DN chi cho quảng cáo, tiếp thị.

Tại nhiều diễn đàn, hội thảo, cộng đồng DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đề nghị Việt Nam bãi bỏ việc khống chế DN chi cho quảng cáo, tiếp thị.

Tất cả đều kỳ vọng, trong lần sửa đổi Luật thuế TNDN tới đây, những đòi hỏi của họ và cả cộng đồng DN trong nước được đáp ứng, song chúng tôi thực sự bất ngờ khi Ban soạn thảo vẫn khống chế mức chi cho quảng cáo, tiếp thị như cũ, ông Ashok Sud phát biểu.

Theo phân tích của Eurocham, việc khống chế mức quảng cáo, tiếp thị sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng và gây trở ngại đối với đầu tư nước ngoài trong tương lai. Quy định này cũng làm phương hại tới DN, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Hậu quả của việc hạn chế chi phí quảng cáo, khuyến mại sẽ dẫn đến việc thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng bị cắt giảm và hạn chế tính cạnh tranh.

Bởi quảng cáo cung cấp các thông tin có giá trị về tính năng, lợi ích, giá thành của sản phẩm sẽ giúp người tiêu dùng có thể tiết kiệm một cách tối đa trong mua sắm; tạo điều kiện cho DN thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới với tính năng ưu việt hơn, giá thành hạ hơn nên gián tiếp kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Trong bối cảnh thị trường tiền tệ khó khăn như hiện nay, ngân hàng muốn tăng lãi suất tiền gửi để thu hút tiền ngoài thị trường nhằm tập trung vốn cho nền kinh tế, nếu không tổ chức quảng cáo thì người tiêu dùng không biết ngân hàng nào đang huy động mức lãi suất hấp dẫn.

Điều này dẫn tới hệ quả là người tiêu dùng bị thiệt, hệ thống ngân hàng không thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi, trong khi nền kinh tế Việt Nam vẫn cần rất nhiều vốn để đầu tư phát triển, đại diện một DN FDI phân tích và cho rằng, Việt Nam đã gia nhập WTO, vì vậy không nên tạo ra sự khác biệt về cách tính khấu trừ thuế so với các thành viên khác của WTO.

Việc Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật thuế TNDN sửa đổi) vẫn bảo lưu quan điểm khống chế tỷ lệ chi cho quảng cáo, tiếp thị, theo giải thích của ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế là do hầu hết DN trong nước chưa sử dụng hết mức khống chế này.

Tuyệt đại đa số DN trong nước là DN nhỏ và vừa, chưa có đủ nguồn lực để chi nhiều hơn cho quảng cáo, tiếp thị, nếu bãi bỏ việc khống chế thì chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều DN nhỏ và vừa sẽ rơi vào tình trạng phá sản.

Hiện chỉ có DN FDI đề nghị tất cả khoản chi cho quảng cáo, tiếp thị được coi là chi phí hợp lý, hợp lệ và được tính trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; tuy nhiên, hầu hết DN trong nước đều không có quan điểm về vấn đề này, ông Phụng cho biết.

Luật sư Trương Thanh Đức (Ngân hàng TMCP Hàng hải) bày tỏ quan điểm không ủng hộ với giải thích của Bộ Tài chính khi ông cho rằng, mức khống chế như trong Dự án Luật thuế TNDN chỉ phù hợp với nền kinh tế bao cấp, thời kỳ mà DN không cần quan tâm đến quảng cáo, tiếp thị và khuyến mại vì đầu ra của sản phẩm đã có địa chỉ.

Trong nền kinh tế thị trường, bán hàng là bán thương hiệu, tỷ lệ khống chế dành cho quảng cáo, tiếp thị 10% không đủ cho DN giật gấu vá vai trong quá trình xây dựng thương hiệu, ông Đức nhận định.

Thị trường tài chính phát triển, ngày càng có thêm ngân hàng, định chế tài chính mới được thành lập, nên cường độ quảng cáo của các đơn vị này trên thông tin đại chúng, đặc biệt là trên truyền hình liên tục xuất hiện.

Từ thực tế của Ngân hàng TMCP Hàng hải, ông Đức cho biết, mỗi ngày chỉ quảng cáo vài chục giây trên truyền hình thì mỗi năm Ngân hàng cũng chi hàng chục tỷ đồng.

Không ít ngân hàng, ngoài việc quảng cáo còn thực hiện tài trợ, mua kênh thông tin của đài truyền hình…, nhưng do bị khống chế tỷ lệ quảng cáo, tiếp thị đã buộc họ phải lách luật như việc ngân hàng làm biển quảng cáo tại nơi công cộng nhưng lại hạch toán là thuê tài sản, thay vì hạch toán đúng là chi phí quảng cáo.

Đó là chi phí hợp lý, cần thiết nhưng lại là lỗi vi phạm pháp luật khá phổ biến mà người ta không hề mong muốn. Đã đến lúc cần mạnh dạn thay đổi quan điểm làm chính sách để tránh tình trạng buộc DN phải lách luật, ông Đức kiến nghị và đề xuất, nếu không dỡ bỏ hoàn toàn tỷ lệ khống chế chi cho quảng cáo, tiếp thị thì nên tăng tỷ lệ này lên ít nhất 20%

Theo ĐTCK

0 nhận xét:

Đăng nhận xét