Pages

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010

Khi quảng cáo…vô duyên

Bạn đang xem một chương trình yêu thích, đột nhiên dòng chữ quảng cáo hiện ra, đoạn phim quảng cáo bắt đầu: Một cô gái đưa cái nhíp cho người yêu rồi nói: “Anh ơi giúp em với!” và phần kết của quảng cáo là một loại kem tẩy lông nào đó…

Khi quảng cáo …..vô duyên

Bạn đang xem một chương trình yêu thích, đột nhiên dòng chữ quảng cáo hiện ra, đoạn phim quảng cáo bắt đầu: Một cô gái đưa cái nhíp cho người yêu rồi nói: “Anh ơi giúp em với!” và phần kết của quảng cáo là một loại kem tẩy lông nào đó… Chưa dừng lại ở đó, khi bạn chuyển sang kênh khác thì cũng là lúc mà bạn đọc thấy dòng chữ “Bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực” với hình ảnh một người phụ nữ đang vuốt ve người đàn ông đang cởi trần với cơ bắp chẳng lấy gì là đẹp đẽ.

Hoặc trong một lúc khác, bạn đang ăn cơm với gia đình, loạt hình ảnh của một hãng sản xuất băng vệ sinh làm nghẹn miếng cơm của bạn, và tiếp theo đó là một loại thuốc đặc trị bệnh trĩ của một công ty dược nổi tiếng nhất nhì cả nước. Những câu chuyện trên không chỉ xảy ra trong ngày một ngày hai, nó đã và vẫn còn đang tiếp diễn, trở thành một đề tài mà người ta đề cập hàng ngày, đó là “Sự vô duyên của quảng cáo Việt Nam.”

Vô duyên đủ mọi đường

Năm 2006 được coi là một năm phát triển thành công của quảng cáo trên truyền hình tại Việt Nam, nhiều mẫu quảng cáo với ý tưởng đẹp đã được phát triển thành công, điển hình có thể nhắc đến P/S với “Cười lên Việt Nam ơi”, Vinaphone với “Không ngừng vươn xa”, Mobifone với “Mọi lúc, mọi nơi”…. Hầu hết các quảng cáo này đều được đầu tư với chi phí tốn kém , do các công ty quảng cáo chuyên nghiệp thực hiện một cách bài bản.

Tuy nhiên, không phải lúc nào chi phí cũng gắn liền với hiệu quả. Rất nhiều chiến dịch quảng cáo trên truyền hình đã vấp phải phản ứng tiêu cực từ phía khán giả. Trong số đó có thể kể đến quảng cáo “Tỉnh lại đi kưng” của Nescafe với giọng ngáp có giai điệu không thể bắt chước, nhiều khán giả xem xong đã có bình luận rằng “Hay mỗi cái là ngáp có giai điệu. Tui thử tập mãi không được”(?!). Quảng cáo của Rexona, theo một công ty nghiên cứu thị trường chuyên thu thập ý kiến về các quảng cáo, thì bị coi là quá vô duyên khi đề cập tới những khung cảnh “bốc mùi” thiếu tế nhị. Hoặc các đoạn phim “Andy đến Thành Phố Vải” của Comfort không lấy được nhiều thiện cảm của người tiêu dùng vì “Các nhân vật không phù hợp và quá xấu” …. Khoảng 10-16% số người được hỏi đã đưa ra ý kiến “không muốn xem lại quảng cáo lần thứ hai” và khoảng 5% bày tỏ ý định không muốn sử dụng sản phẩm.

Quảng cáo được thực hiện tốt có thể nâng hình ảnh của công ty và sản phẩm lên một tầm cao mới, nhưng ngược lại, một quảng cáo tồi lại có thể dìm nó xuống tận cùng của sự thất bại. Các nhà sản xuất quảng cáo sẽ nghĩ gì khi đứa con của mình làm ra lại bị đánh giá là “Con bé trong quảng cáo này nói năng vô phép kinh khủng…” ,“Mấy đứa lao công này nhảy nhót vớ vẩn quá..” hay là “Quảng cáo loại thuốc này mất vệ sinh thật…” , khi người tiêu dùng đã đánh giá với một thái độ thiều thiện cảm về quảng cáo, họ hoàn toàn có thể loại bỏ luôn cả sản phẩm, khi đó doanh nghiệp sẽ phải làm một việc mà chẳng ai muốn làm , đó là “Giải quyết hậu quả sau quảng cáo” . Rất nhiều công ty đã phải ngay lập tức đưa ra hình ảnh quảng cáo mới hay thậm chí, phải tổ chức cả các buổi họp báo đề thanh minh cho những lỗi vô duyên ngớ ngẩn khi sản phẩm họ được phát trên truyền hình.

Sự vô duyên trong nội dung còn được thể hiện trong việc thực hiện ý tưởng trong quảng cáo, một số quảng cáo có ý tưởng khá tốt nhưng lại được thực hiện tồi, ví dụ như “Rác là tài nguyên quý giá” có phần thể hiện các cô gái lao công thái quá và hơi phản cảm. Ngay cả quảng cáo của Café Trung Nguyên với ý tưởng cao đẹp về thương hiệu Việt nhưng lại vấp phải phần thể hiện hình ảnh chưa đạt hiệu quả. Một số quảng cáo khác vừa không thành công về mặt ý tưởng và phần trình bày quá rườm rà, đáng buồn là nó lại tập trung vào các quảng cáo của các sản phẩm của Việt Nam, điển hình là các sản phẩm Đông Y (Đại tràng hoàn, Kiện não hoàn…)

Lỗi vô duyên lại không của riêng doanh nghiệp mà còn thể hiện ở việc phát sóng. Trước đây quảng cáo trên truyền hình thường được tiến hành theo kiểu “cắt ngang”, nghĩa là đúng đến đoạn hay của chương trình hoặc các đoạn nghỉ là lập tức có quảng cáo chèn vào. Bây giờ thì nhà đài lịch sự hơn, cho hiện ra dòng “Chương trình quảng cáo”, nhưng thời lượng quảng cáo thì lại tăng lên, người xem kiên nhẫn lắm thì chỉ ngồi tiếp được khoảng 1-2 phút là nhiều, còn đa số là lập tức chuyển sang các chương trình khác.

Khi mà khán giả đã quá bức xúc với chuyện bị bắt ép xem quảng cáo thì hiệu ứng tiêu cực là điều đương nhiên, sức mạnh của quảng cáo ngày càng bị suy giảm, các công ty muốn đạt hiệu ứng tốt lại phải tăng tần suất chiếu quảng cáo và điều này lại làm cho khán giả cảm thấy chán chường hơn nữa.

Làm thế nào để chữa bệnh vô duyên?

Một phim quảng cáo, muốn thành công, đòi hỏi sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Tại sao không thuê một đạo diễn thật giỏi, vừa có đầu óc kinh tế và kinh nghiệm trong lĩnh vực quảng cáo”. Diễn viên tuy không đòi hỏi phải có trình độ diễn xuất cỡ Tom Hanks hay Julia Roberts mà chỉ cần có một ít khả năng và quan trọng hơn hết là một ngoại hình phù hợp. Yếu tố quan trọng cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất quyết định sự thành-bại của phim quảng cáo chính là sự sáng tạo. Thiếu điều này, một đoạn phim quảng cáo sẽ bị quên lãng một cách nhanh chóng vì cứ đi vào lối mòn của sự thiếu ý tưởng.

Đành rằng quảng cáo thì phải có cái hay cái dở nhưng đề cái dở trở thành những hạt sạn, va chạm cả đến văn hóa là điều khó chấp nhận. Các doanh nghiệp muốn có một chương trình quảng cáo tốt cần phải có một chiến lược cụ thể, họ phải biết được đối tượng quảng cáo của mình là những ai, nội dung mà họ muốn giới thiệu tới khách hàng là gì và cuối cùng, họ phải có một tầm nhìn lâu dài cho việc thực hiện quảng cáo của công ty cũng như phải tôn trọng khách hàng của họ.

Để thực hiện được một mẫu quảng cáo tốt thì bản thân công ty đó phải liên kết chặt chẽ với các đơn vị thực hiện quảng cáo, từ việc xây dựng nội dung, truyền đạt ý tưởng cho đến việc trau chuốt hình ảnh thể hiện và cân nhắc tần suất phát sóng. Sự khác biệt giữa một quảng cáo hữu ích và một quảng cáo vô bổ đôi khi bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất mà công ty đã bỏ qua. Vinaphone và Mobifone đã rất thành công trong việc cải thiện hình ảnh và đưa ra thông tin những cuộc khuyến mãi rầm rộ, theo một bài báo gần đây thì số lượng thuê bao của Vinaphone đã tăng lên khoảng 6 triệu thuê bao và Mobifone là 9 triệu thuê bao, đặc biệt quảng cáo Vinaphone được thực hiện đồng bộ và đưa ra được nhiều ý tưởng sâu sắc. Ngoài ra Nutifood, Izzi hay “Ngôi sao phương Nam” của Vinamilk cũng nằm trong số các sản phẩm gây được thiện cảm qua các chương trình quảng cáo trên truyền hình. Đó là minh chứng cho một số công ty đã thực hiện quảng cáo một cách cẩn trọng và nghiêm túc, thành công không những được thể hiện ở doanh số bán tăng lên mà còn thể hiện ở việc cải thiện hình ảnh thương hiệu đối với các khách hàng mục tiêu.

Theo thống kê của Hiệp hội quảng cáo, Việt Nam có hơn 1.000 công ty quảng cáo, tuy nhiên chỉ có 10 trong số này là thực sự chuyên nghiệp và chỉ có 5 công ty mang tầm quốc tế. Trình độ tay nghề nói chung thấp, điều này phản ánh vì sao mà các công ty cũng phải rất khó khăn khi lựa chọn một nhà quảng cáo chuyên nghiệp. Một nhà quảng cáo truyền hình chuyên nghiệp thường thuê những đạo diễn có kinh nghiệm trong việc sản xuất chương trình quảng cáo và có đội ngũ êkip thực hiện tốt phần hiệu ứng của quảng cáo, điều này sẽ giúp rất nhiều cho chiến dịch quảng cáo của doanh nghiệp đó.

Các công ty phải nhận thức được rằng quảng cáo truyền hình là một trong những cách nhanh nhất để đến với thị trường và bành trướng công việc kinh doanh, nó cũng có thể là cách nhanh nhất khiến công ty bị đẩy ra khỏi thị trường đó. Việc rà soát nội dung một cách chặt chẽ với hình thức thể hiện chân thực và sống động sẽ là cách thức dễ dàng nhất đề gây thiện cảm đối với khách hàng. Và cuối cùng, để thay cho lời kết , các công ty có thể tham khảo nhận định của một chuyên gia trong lĩnh vực quảng cáo nói rằng “Một nhãn hiệu sẽ lan toả và được nhiều người biết đến, nếu một công ty tạo ra được yếu tố đặc sắc và sáng tạo đậm chất nghệ thuật và trí tuệ trong các quảng cáo, nhờ đó, sự độc đáo và lôi cuốn sẽ bắt nguồn từ những điều giản dị nhất . Với quảng cáo, chỉ có một cách là hãy sáng tạo nhiều hơn!!!”

Theo Tạp chí Thành Đạt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét